Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển (diện tích tự nhiên là 1.545 km2, dân số gần 1,9 triệu người), thuộc miền Bắc Việt Nam, nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Sông Hồng, trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối các khu kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 110 km, cách sân bay Cát Bi và cảng biển Đình Vũ, Hải Phòng 70 km; cách cảng biển nước sâu Lạch Huyện - Hải Phòng 30 Km (là cảng container lớn nhất Việt Nam do Nhật Bản đang hỗ trợ xây dựng). Tỉnh có 7 huyện, 01 thành phố và 286 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước. GRDP tăng 11,12%, giá trị sản xuất tăng 13,15%, so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế tương đối đồng đều giữa 3 khu vực (nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 27,6%; công nghiệp và xây dựng chiếm 33,6%; dịch vụ chiếm 38,8%). Sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh, thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD, tăng 7,4%. Thu ngân sách được gần 14.000 tỷ đồng, vượt trên 40% dự toán, trong đó, thu nội địa trên 7.057 tỷ, vượt 16% dự toán. Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã có một huyện và 186/263 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm gần 70%). 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch sinh hoạt, với 82,9% số hộ khu vực nông thôn sử dụng nước sạch, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016.

Số dự án đầu tư được chấp thuận năm 2017 tăng 22% về số dự án cấp mới và tăng 60% về vốn đầu tư so với năm 2016 đưa tổng số dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 543 dự án với tổng vốn thực hiện 29 nghìn tỷ đồng; tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2017 là 72 dự án, vốn đầu tư trên 525 triệu USD; 10 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn ODA trên 1.090 tỷ đồng; có trên 920 doanh nghiệp, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty mới được thành lập, tăng gần 30% so với năm trước và đạt cao nhất từ trước đến nay. Lĩnh vực văn hóa xã hội, báo chí, phát thanh truyền hình có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình

Nhiều lợi thế trong đầu tư, sản xuất kinh doanh

Có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chiếm 90% trữ lượng bể than đồng bằng sông Hồng (khoảng 210 tỷ tấn), đang được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khai thác thử nghiệm và lựa chọn công nghệ để chính thức đưa vào khai thác thương mại. Nguồn khí mỏ tự nhiên ở thềm lục địa (trữ lượng trên 10 tỷ m3) đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khai thác, dẫn vào khu vực ven biển của tỉnh, với sản lượng 200 triệu m3 khí/năm. Mỏ nước khoáng tự nhiên ở phía Nam tỉnh và nước khoáng nóng ở phía Bắc tỉnh, có trữ lượng lớn, đang được khai thác bước đầu,...

Thái Bình có Trung tâm điện lực với 2 nhà máy nhiệt điện, gồm 4 tổ máy, quy mô công suất 1.800 MW, vốn đầu tư 3,4 tỷ USD. Trong đó, tổ máy số 1 và số 2 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 đã hoàn thành chạy thử và hòa lưới điện quốc gia, bảo đảm 100% công suất. Khi đi vào hoạt động, với sản lượng điện năng sản xuất khoảng 10,8 tỷ KWh/năm, Trung tâm điện lực Thái Bình sẽ bảo đảm nhu cầu sử dụng điện cho tỉnh và các địa phương trong vùng.

Địa hình Thái Bình bằng phẳng, đất đai màu mỡ; bờ biển dài 54km, bãi triều rộng 250 km2, diện tích đất nông nghiệp trên 90 ngàn hecta, sản lượng lương thực trên 1 triệu tấn/năm; rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, đại gia súc, gia cầm và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; phát triển công nghiệp chế biến nông sản và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển.

Nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình dồi dào, chất lượng cao; số người trong độ tuổi lao động khoảng trên 1,0 triệu người, trong đó 55% lao động qua đào tạo. Thái Bình có 2 trường đại học lớn (Đại học Y Dược Thái Bình và Đại học Thái Bình); và 30 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo nghề cho gần 35.000 người/năm, thuận lợi cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Về mặt bằng sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 11 KCN và 50 CCN (tổng diện tích 5.082 ha), trong đó có KCN Thụy Trường, huyện Thái Thụy, diện tích 300ha, nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng; đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 KCN và 31 CCN (tổng diện tích 2.195,4 ha); diện tích đất đã cho thuê là 660,2 ha. Như vậy, Thái Bình còn khoảng 1.535,2 ha đất đã được quy hoạch chi tiết để phát triển sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch 01 Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp với diện tích khoảng gần 500 ha trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu là sản xuất máy nông nghiệp, sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và Trung tâm đào tạo, nghiên cứu giống.

Ngoài ra, Thái Bình đã được Chính phủ đồng ý thành lập Khu kinh tế Thái Bình, có diện tích hơn 30.583 ha nằm ở ven biển, trải dài trên 30 xã và 1 thị trấn thuộc hai huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy của tỉnh Thái Bình (Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế tổng hợp (khu trong khu) với các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn các nguồn lực bên ngoài để khai thác các tiềm năng phát triển của khu vực. Các cơ chế chính sách áp dụng tại KKT ven biển Thái Bình có mức độ khuyến khích, ưu đãi  cao nhất theo Khung khổ pháp luật hiện hành áp dụng đối với các KKT ven biển đảm bảo tính hấp dẫn, thu hút được nhiều nhất các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

 Bản đồ Khu kinh tế Thái Bình

Chủ động xúc tiến và mời gọi đầu tư

Định hướng phát triển của Thái Bình trong thời gian tới là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung xây dựng khu vực ven biển trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh để khai thác những tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất ven biển, nguồn năng lượng khí mỏ, điện, than và phát huy lợi thế của tuyến đường bộ ven biển, kết nối thuận tiện với sân bay và cảng biển Quốc tế Hải Phòng. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sử dụng năng lượng tiết kiệm, ít gây ô nhiễm môi trường, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành công nghiệp phụ trợ (lắp ráp thiết bị điện tử, linh kiện, động cơ ô tô, sản xuất phụ liệu ngành may), cơ khí chế tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm...

Về cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư: Thái Bình thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách của Chính phủ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước; đồng thời, ban hành và tổ chức thực thi nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư riêng của tỉnh ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó áp dụng đơn giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung giá do Nhà nước quy định và bổ sung thêm các hỗ trợ khác ngoài chính sách của Nhà nước với mức ưu đãi cao (như: Hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động và đổi mới khoa học công nghệ...).

 Ưu tiên quỹ đất sạch, giúp Nhà đầu tư có mặt bằng sản xuất hoặc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Về các ngành, lĩnh vực khuyến khích, ưu tiên đầu tư, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: công nghiệp phụ trợ: Sản xuất phụ kiện ngành dệt, may, giày da; sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, linh kiện, thiết bị ô tô, máy nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, hương nến, dầu thắp đèn không khói...; chế biến nông sản, thực phẩm (lúa, rau quả, thủy hải sản, gia súc gia cầm); dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu, cụm công nghiệp; Khu xử lý nước thải tập trung.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây, giống con; thu mua chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (công nghệ nhà kính, công nghệ trồng trọt thủy canh, công nghệ tưới nhỏ giọt, lai tạo giống ...).

Lĩnh vực thương mại dịch vụ: Đầu tư xây dựng các Trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen,...

Lĩnh vực xây dựng, giao thông: Đầu tư theo các hình thức PPP (BOT, BT) các dự án: Tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua Thái Bình), tuyến  đường Đinh Tiên Hoàng đoạn còn lại đến đường Lý Bôn, đường Lê Đại Hành đoạn từ đường Lê Quý Đôn đến UBND phường Kỳ Bá, cầu qua sông 3-2, cầu qua sông Bồ Xuyên nối đường Phạm Thế Hiển với Khu đô thị 2 Trần Hưng Đạo; Dự án xây dựng Hồ Ty Diệu; Dự án đầu tư xây dựng Công viên phía Bắc thuộc Công viên 30/6 Khu đô thị Trần Hưng Đạo; Dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu liên hợp thể thao tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng Bể bơi thuộc Khu liên hợp thể thao tỉnh ...

Thái Bình trân trọng mời gọi và nhiệt liệt chào đón các Nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại, kịp thời tháo gỡ những khó, khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài và hiệu quả tại địa phương; Thái Bình cam kết và khẳng định sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn và tin cậy đối với các nhà đầu tư./.

Theo -Trung tâm xúc tiến và tư vấn đầu tư Thái Bìn